100% dân số Việt Nam có kết nối 5G vào năm 2030

Thứ ba - 11/10/2022 21:47 1.316 0
Đã có 55 tỉnh, thành phố ở Việt Nam triển khai 5G và Việt Nam phấn đấu 100% dân số có kết nối 5G vào năm 2030.

55 tỉnh/thành phố đã triển khai 5G

Tại Hội thảo phát triển mạng 5G ASEAN ngày 11/10, trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2022 (VIDW2022), ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã thông tin cho các đại biểu quốc tế biết Việt Nam đang trong quá trình thí điểm 5G, trong đó 55 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm. Thiết bị 5G của Viettel cũng đã được thử nghiệm, tốc độ tải dữ liệu tương đương với các công ty toàn cầu cho thấy năng lực và sản xuất của nhà mạng này.

100% dân số Việt Nam có kết nối 5G vào năm 2030 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Nhã: Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030, 100% dân số Việt Nam có kết nối 5G

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nhã cho biết, Bộ TT&TT luôn khuyến khích nỗ lực thử nghiệm, bao gồm thiết bị sản xuất trong nước và thiết bị nhập khẩu. Trong thời gian tới, việc đầu tiên cần tập trung là đấu giá tần số, khuyến khích các bên tham gia vào thúc đẩy 5G. Trong trăm 2023 - 2024, Việt Nam sẽ tập trung triển khai kỹ thuật 5G.

Thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G và đặc biệt là thúc đẩy các trường hợp điển hình ứng dụng 5G, với sự phối hợp của các nhà mạng, ngành nghề để triển khai các thí điểm.

Trong vài năm đầu, Việt Nam sẽ áp dụng thí điểm cho các khu công nghiệp, viện trường, cơ quan nhà nước. Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030, 100% dân số Việt Nam có kết nối 5G. Để thực hiện được việc này, Bộ TT&TT đã cân nhắc các ngưỡng tải dữ liệu lên, xuống (downlink/uplink).

100% dân số Việt Nam có kết nối 5G vào năm 2030 - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo phát triển mạng 5G ASEAN

Tình hình triển khai 5G tại một số nước ASEAN

Tại hội thảo, đại diện Brunei Darusalam cho biết nước này đã thành lập nhóm công tác về 5G tập trung 3 nội dung: chính sách, phổ tần, nâng cao nhận thức về 5G. Tổ đặc trách đã xây dựng được quy địn thử nghiệm (sandbox), phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường đại học Brunei để thí điểm 5G cho theo dõi giám sát từ xa, ký túc xá thông minh… Brunei đã hoàn tất kế hoạch thí điểm 5G

Theo đó, 5G bắt đầu ứng dụng ở 3 dải tần thấp, trung cao 700 MHz, 1400 MHz, 2500 MHz. Khi bắt đầu mở rộng thí điểm 5G, nhiều người dân không quan tâm lắm đến 5G là gì, có ý nghĩa gì. Đây là vấn đề cần giải quyết, Brunei không áp đặt mà thuyết phục bằng cách cung cấp đầy đủ thông tin về 5G cho người dân.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cho biết nước này đã nhận thấy 5G là nền tảng thúc đẩy CĐS quốc gia. 80 quốc gia đã hành động để thúc đẩy 5G. Lào đã nhận thức được tầm quan trọng của 5G, đang đánh giá, rút kinh nghiệm từ các quốc gia về triển khai 5G và xây dựng cấp phép 5G.

Lào đã dành băng tần 700 MHz cho IMT, xây dựng sandbox và báo cáo kỹ thuật về 5G. Lào chỉ có khoảng 5% thiết bị viễn thông tương thích với 5G, 95% còn lại tương thích 4G nên cần có khuôn khổ thúc đẩy tương thích thiết bị 5G mới thúc đẩy 5G được.

100% dân số Việt Nam có kết nối 5G vào năm 2030 - Ảnh 3.

Kế hoạch cấp phép phổ tần cho 5G của Lào theo 3 giai đoạn

Dự kiến phân bổ phổ tần cho 5G được chia thành 3 giai đoạn: tính đến 2019 đã phân bổ 7 dải tần, năm 2022 sẽ cấp 3 dải tần nữa và sau năm 2023 là 3 dải tần nữa. Theo đó, cần phải xây dựng những quy chuẩn, văn bản pháp lý, và cần phối hợp để hài hoá tiêu chuẩn kỹ thuật. Lào đang cân nhắc phân bổ dựa trên nhu cầu của các công ty viễn thông trong nước.

Lào cũng nhận thức vấn đề an ninh trong mạng 5G, theo đó, đã xây dựng những quy chuẩn an toàn cho mạng viễn thông từ quý I năm 2023 trở đi và xác định phải đảm bảo an ninh mạng 5G trước cả tác động về mặt kinh tế.

Còn theo đại diện Bộ TT&TT Indonesia, việc quy hoạch, phân bổ dải tần không phải là việc dễ dàng. Indonesia đã có những chính sách, phương án kỹ thuật để thực hiện. Gần đây Indonesia mới ban hành chính sách, nâng cao nhận thức về lợi ích về 5G, thúc đẩy hài hòa, hoán đổi dải tần, nhờ đó các công ty quan tâm đến 5G tăng lên.

Còn tại Malaysia, quốc gia này đã thành lập nhóm đặc trách về 5G từ năm 2018 để nghiên cứu và khuyến nghị chiến lược triển khai 5G với 4 nội dung chính: trường hợp triển khai 5G, phổ tần, hạ tầng, pháp lý.

Malaysia đã thông qua chiến lược MyDigital và chiến lược triền khai 5G. Theo đó, 5G là một trụ cột của MyDigital. Tháng 3/2021, Malaysia đã công bố triển khai 5G qua công ty DNB theo luật truyền thông và đa phương tiện 1998 với mục đích thu hẹp khoảng cách số, tăng cường kết nối, tối ưu nguồn lực… Tháng 3/2022, chính phủ mở 70% cổ phần ở DNB để các công ty viễn thông có thể mời khu vực tư nhân tham gia vào xây dựng mạng 5G (5G Single Wholesale Network - SWN). DNB có cơ chế, giám sát đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hiệu quả.

5G SWN đã sẵn sàng vào ngày 15/12/2021.Gói 5G thương mại của YTL Communications (YES) ra mắt vào ngày 26/5/2022, từ mức cước thấp nhất là 58 RM/tháng. Một công ty viễn thông khác dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tháng 10 năm 2022. Tính đến ngày 30/9/2022, đã có hơn 2.400 trạm BTS, tương ứng với mức độ bao phủ 33,2% ở các khu vực đông dân cư. Thông lượng dữ liệu trung bình đạt 650 Mbps và số lượng thuê bao là 250.000. Ghi nhận của OpenSignal vào ngày 16/8/2022, Kuala Lumpur lọt vào top 3 các nước châu Á – Thái Bình Dương về tốc độ tải 5G lên/xuống.

Đại diện của Uỷ ban Phát thanh Truyền hình và Viễn thông Thái Lan (NBTC) cho biết nước này đã xây dựng được một lộ trình triển khai 5G với các bước khác nhau tuy nhiên do COVID-19 nên đã bị ảnh hưởng. Tháng 2/2020, Thái Lan đã phân bổ phổ tần 700 MHz cho các nhà mạng, lên kế hoạch thí điểm cho các nhà mạng.

Bangkok hiện đã đạt độ bao phủ 5G là 99,23%, trong khi độ phủ dân số là 99,94% dân số. Thái Lan đã xây dựng sandbox để thúc đẩy sự tham gia không chỉ của nhà mạng còn của các viện, trường nghiên cứu, qua đó các nhà mạng và các bên ký kết các MoU để thúc đẩy nghiên cứu 5G.

Thái Lan đã thành lập Uỷ ban quốc gia về phát triển 5G là uỷ ban liên ngành, có nhiệm vụ định hướng phát triển, chiến lược 5G, ưu đãi, R&D về 5G.

Thái Lan còn có dự án là bệnh viện SiriaJ 5G thông minh với việc sử dụng thiết bị không người lái trong bệnh viện, quản lý dược tồn kho, chẩn đoán, chữa bệnh từ xa.

Quốc gia này cũng nhận thấy một số khó khăn triển khai 5G gồm: quy hoạch phổ tần; cơ chế ưu đãi để các bên tham gia thúc đẩy 5G; đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu.

100% dân số Việt Nam có kết nối 5G vào năm 2030 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: 5G đang có những bước phát triển mạnh mẽ

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết trong 3 năm gần đây trên thế giới, 5G và thương mại hoá 5G đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Triển khai 5G cần phải cân nhắc về pháp lý, thông lệ giải quyết những thách thức trong ứng dụng 5G.

Cũng theo Thứ trưởng, các nước ASEAN đang hợp tác xây dựng hạ tầng phù hợp với kế hoạch tổng thể ASEAN về 5G. Các nước ASEAN cũng đang thực hiện lộ trình 5G của mỗi nước và đây cũng là ưu tiên của Việt Nam trong năm 2022. Các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước ASEAN tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển 5G ASEAN sẽ giúp các nước ASEAN tiến nhanh trong thúc đẩy 5G./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây